10 DẤU HIỆU GIÚP NHẬN DIỆN 1 CÔNG TY TỆ

10 DẤU HIỆU GIÚP NHẬN DIỆN 1 CÔNG TY TỆ
Một công ty tốt chắc chắn có giải thưởng nhưng công ty có giải thưởng thì chưa chắc là công ty tốt

Năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 115 công ty nhận giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á" do HR Asia tổ chức.

Danh sách thắng cuộc tăng 49 công ty so với năm 2020. Giải thưởng có mặt tại 13 quốc gia.

Danh sách này rất đa dạng, có cả sự góp mặt của các công ty đa quốc gia và công ty Việt Nam, lĩnh vực vận hành và quy mô cũng hoàn toàn khác nhau tuy nhiên điểm chung là cùng nhận 1 giải thưởng Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2021.

Ngoài HR Asia thì còn rất nhiều giải thưởng khác nhau hiện tại các công ty đang tham gia và muốn hướng đến "đạt giải" như một phần chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.

Nhưng bạn biết hông?

Một công ty tốt chắc chắn có giải thưởng nhưng công ty có giải thưởng chưa chắc là công ty tốt

Vậy làm thế nào để ứng viên hiện tại "khám bệnh" các công ty khi tất cả các thông tin được công ty xây dựng là "tốt" và "tốt nhất"?

Làm sao để nhận ra công ty nào có dấu hiệu "tệ" trong quá trình tham gia phỏng vấn ?

Hôm nay bằng kinh nghiệm 6 năm đi làm ngành nhân sự, mình muốn chia sẻ 10 dấu hiệu rõ ràng nhận diện 1 nơi làm việc tệ giúp bạn tránh trường hợp đi làm lại phải nghỉ sớm và bắt buộc chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi Tại sao em lại nghỉ việc ở công ty cũ ?

  1. KHÔNG AI LÀM LÂU DÀI TẠI CÔNG TY.

Trước khi đi phỏng vấn, bạn nghiên cứu và biết được công ty có tỷ lệ nghỉ việc cao. Vị trí bạn đi phỏng vấn thường xuyên đăng tin tuyển dụng thì hãy cẩn thận 1 tí.

Có rất nhiều lý do dẫn đến 1 nhân viên nghỉ việc tại một công ty. Nhưng nếu nhiều người cùng nghỉ việc tại 1 công ty, đặc biệt tại 1 vị trí thì công ty thường có nhiều vấn đề lớn cần phải cải thiện.

Trong trường hợp bạn tham gia phỏng vấn những công ty như vậy, hãy đặt ra những câu hỏi để hiểu vấn đề ở đây là gì? Những vấn đề đó có đi kèm những cơ hội bạn đang tìm kiếm trong công việc hay không?

Tại sao vị trí này thường thay đổi người? Lý do những người trước nghỉ là vì gì?
Những thử thách ở vị trí đang đối mặt là gì và những hỗ trợ của công ty tại vị trí ra sao? Mong muốn của công ty như thế nào?

Hỏi và xem xét liệu rằng người phỏng vấn có chia sẻ thẳng thắn, rõ ràng và hợp lý không hay người ta chỉ trả lời ỡm ờ bảo là vì nhân viên không hợp.

Hãy nhớ tỉ lệ nghỉ việc cao, thay máu nhanh tại 1 công ty là có lý do cả.

2. NGƯỜI PHỎNG VẤN KHÔNG TÔN TRỌNG ỨNG VIÊN

Không tôn trọng được thể hiện qua rất nhiều điểm khác nhau. Ví dụ như

⛔️ Vừa phỏng vấn vừa kiểm tra điện thoại, làm việc trên máy tính. Làm đôi ba việc một lúc.

⛔️ Chuông điện thoại kêu liên tục. Rung lần 1 thì có thể thông cảm nhưng nếu xảy ra lần 2, lần 3 mà người phỏng vấn không chủ động tắt chế độ thì chứng tỏ người ta không thật sự tôn trọng thời gian và sự hiện diện của ứng viên là bạn.

⛔️ Người phỏng vấn hỏi những câu hỏi không tinh tế và đầy định kiến cá nhân. Phân biệt đối xử về độ tuổi, giới tính, trường học, quê quán, cuộc sống cá nhân....

"Em 28 tuổi rồi liệu em có kế hoạch lập gia đình tương lai không?"
"Em là nữ, em nghĩ mình làm nổi công việc này không?"

Đặc biệt tại buổi phỏng vấn chuyên môn, nếu bạn nhận thấy những câu hỏi phỏng vấn của sếp tương lai là thiếu kiến thức chuyên môn, người này không biết lắng nghe. Lúc nào cũng chỉ chờ nhảy vào câu trả lời của bạn.

Thậm chí bắt bẻ và luôn cho mình đúng, xem thường người đối diện thì hãy cẩn thận với phong cách của người sếp tương lai này.

"Em nói vậy là sai rồi. Anh/chị không đồng ý với em" blabla...

Kinh nghiệm cá nhân của mình thì những người này thường ít có sự đồng cảm với nhân viên, khả năng lắng nghe kém và thậm chí hay bắt bẻ, quản lý nhân viên chi li từng chi tiết một.

⛔ Người phỏng vấn có thể đi sâu hỏi về thông tin của ứng viên nhưng khi ứng viên cảm thấy không thoải mái và đã khóc thì hãy im lặng và đồng cảm với ứng viên của mình.

Có nhiều người phỏng vấn thuộc level cấp cao senior suy nghĩ kiểu phỏng vấn này thể hiện người ta cao tay, bóc được vỏ hành. Tuy nhiên người ta quên rằng buổi phỏng vấn là buổi nói chuyện giữa 2 bên giúp tìm hiểu 2 bên có đi chung với nhau về lâu dài hay không. Buổi phỏng vấn không phải là buổi hỏi cung.

Nên hi vọng nếu bạn rơi vào trường hợp này hãy tự bảo vệ mình, dũng cảm đứng lên và từ chối tham gia những buổi phỏng vấn như vậy. Đồng thời, góp ý chân thành với những anh chị phỏng vấn rằng hãy lắng nghe ứng viên hơn và đừng đi quá giới hạn của 1 buổi phỏng vấn.

3. ỨNG VIÊN THAM GIA PHỎNG VẤN PHẢI CHỜ ĐỢI QUÁ LÂU

Bạn có thể nói là người ta thử thách xem thử bạn có thuộc tuýp người kiên nhẫn hay không?

Nhưng thật ra thì có nhiều cách khác nhau để kiểm tra về tính kiên nhẫn của một người.

Ví dụ như hỏi về những lần thất bại của người đó ra sao? Đi sâu tìm hiểu theo phương pháp STAR về những thất bại đó, cách người ta kiên nhẫn và kiên định vượt qua khó khăn để đạt mục tiêu là như thế nào? Đưa ra ví dụ cụ thể.

Thời gian của bên nào cũng quý như nhau nên nếu công ty không tôn trọng thời gian của bạn thì mình tin rằng khi đi làm công ty cũng không quá quan tâm và tôn trọng thời gian của nhân viên.

Đồng thời nếu công ty để ứng viên chờ đợi quá lâu chỉ thể hiện rõ rằng phong cách làm việc của công ty, người phỏng vấn không ổn lắm, chưa biết sắp xếp và lên kế hoạch làm việc hiệu quả nhất. Lịch chồng chéo nhau. Không tôn trọng thời gian.

Mẹo nhỏ: nếu người phỏng vấn bạn vào muộn á. Bạn hãy quan sát thái độ và lời nói của người ta khi để bạn chờ. Đánh giá xem người ta có thật sự xin lỗi về việc trễ nải khi bạn phải chờ đợi hay người ta thấy vấn đề bạn chờ đợi là hoàn toàn bình thường.

Tuỳ theo cách ứng xử bạn có thể hiểu hơn về phong cách và tư duy của họ.

Xem xét bản thân mình có muốn làm việc trong 1 môi trường với những người sếp, đồng nghiệp như vậy không?

4. Khu vực làm việc không có sức sống.

Mình đã từng phỏng vấn tại một ngân hàng thời đại học. Khi mình đến công ty và ngồi chờ trong khu vực công ty.

Mình nhận ra rằng mình không muốn làm việc ở môi trường ngân hàng này.

Thay vì không khí mình muốn là năng động, có sức sống và tươi trẻ.

Thì ngân hàng này mọi người rất ủ rũ, nhìn siêu thiếu sức sống, cảm giác nặng nề bao vây. Một màu xám xịt.

Lúc đó mình biết là mình không phù hợp với môi trường như vậy.

Việc tiếp xúc với những người trong công ty lúc đi phỏng vấn, thời gian ngồi chờ và quan sát khu vực làm việc, mức độ tương tác của nhân viên trong môi trường làm việc là 1 việc rất quan trọng để nhận ra mình có muốn gia nhập công ty hay không?

Quan sát và cảm giác của bạn rất quan trọng nên đừng xem thường những điểm tương tác nhỏ này.

5. Công ty luôn nói về công ty và không quan tâm đến Ứng viên

Đi phỏng vấn và đi làm là 1 câu chuyện WIN-WIN.

Bạn quan tâm công ty và công ty quan tâm đến bạn để xây dựng 1 mối quan hệ lâu dài, bạn cung cấp giá trị và công ty trả lương cho giá trị đó.

Mình đã từng tham gia 1 buổi phỏng vấn tại một công ty Startup. Ngay từ đầu trong CV cũng như lúc phỏng vấn mình đã nhấn mạnh về định hướng bản thân là những vị trí liên quan về Recruitment & Employer Branding. Trao đổi rất rõ ràng.

Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn, câu đầu tiên CTO của công ty đó hỏi mình là: Nếu công ty nhận em làm sales ở thị trường Mỹ thì em giúp công ty tiếp cận thị trường này như thế nào?

Mình kiểu whattt, em có apply sales đâu mà tự nhiên hỏi như vậy.

Công ty kiểu chỉ quan tâm đến công ty. Không quan tâm là liệu ứng viên đó mong chờ nghề nghiệp như thế nào? 2 bên có win-win hay không.

Thay vì hỏi như vậy, người này có thể hỏi thăm dò như sau: "Tìm hiểu được biết là em làm về TA. Liệu em có quan tâm về Sales không?"

Nếu mình nói có thì hãy đào sâu vào đó.

Điều này thể hiện rất rõ năng lực phỏng vấn của một người. Không phải chức cao là biết cách tiếp cận và đặt câu hỏi cũng như không nên hỏi điều mình muốn hay gán những cái gì mình muốn vào ứng viên.

Hãy quan tâm điều ứng viên MUỐN 1 chút vì điều này sẽ quyết định ứng viên có đi lâu dài với công ty hay không. Đồng thời, cố gắng lắng nghe ứng viên khi trả lời để biết rõ 2 bên có phù hợp với nhau về lâu dài hay không!

6. Sử dụng những cụm từ như “công ty là 1 gia đình", work hard play hard.

Kinh nghiệm của mình sau 6 năm đi làm là công ty là công ty, công ty không phải là gia đình của bạn.

Dù công ty có tốt cỡ nào thì 1 vài đồng nghiệp trong công ty có thể sẽ trở thành bạn tốt của bạn nhưng công ty thì không phải gia đình. Gia đình gồm bố mẹ, người thân của bạn. Khi bạn không đi làm, người ta vẫn lo lắng cho bạn.

Hầu hết những công ty thường nói công ty 1 gia đình thì hãy hỏi ý anh chị là như thế nào ạ? Kinh nghiệm cá nhân mình thì những công ty nói kiểu vậy thường không rạch ròi về nhiều vấn đề. Đặc biệt về mức độ công việc, quy trình và chuyện lương thưởng.

Còn về Work hard play hard khi nói vậy thì công ty chắn chắc là làm rất nhiều, người ta đã nói vậy khi khẳng định là work hard - còn việc chơi ở đâu thì tuỳ bạn. Nếu bạn gia nhập những công ty này thì đừng suy nghĩ nhiều đến chuyện cân bằng cuộc sống "work life balance".

Nếu work life balance là điều bạn đang nhắm đến thì hãy xem xét các cơ hội ở công ty này.

7. Người phỏng vấn bạn có 1 năng lượng tiêu cực

Nếu người phỏng vấn bạn có một năng lực rất tiêu cực. Thậm chí thường xuyên than vãn trong buổi phỏng vấn thì công ty bạn đang phỏng vấn hay phòng ban của bạn đang có 1 vấn đề kinh khủng. Vì:

  • Người phỏng vấn bạn thường là bên chuyên môn đang không happy với công việc. Nếu người ta mà là sếp của bạn thì thôi rồi lượm ơi.
  • Nếu 1 người dẫn đầu mà không vui vẻ với công việc mình làm thì cái team sẽ bị chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Và năng lượng tiêu cực lan toả rất mạnh. Mình không nghĩ bạn muốn làm việc ở một nơi tiêu cực như vậy.

8. Công việc không rõ ràng

Mình đã từng làm qua nhiều công việc không có mô tả công việc (JD) cụ thể, rõ ràng và mình đã học, đã trưởng thành rất nhiều từ những công việc đó vì làm nhiều thì biết nhiều. Những công việc này đòi hỏi bạn phải tự học, chủ động và linh hoạt. Đồng thời phải tự hệ thống lại những gì mình đã đi qua.

Nhưng đó là lúc mình mới bắt đầu đi làm. Mình cần nhiều cơ hội để học hỏi, để chứng tỏ bản thân, để biết mình muốn gì, để va chạm nhiều nhất. Tìm ra điều mình muốn đi sâu.

Còn nếu bạn đã đi làm hơn 5 năm rồi thì hãy thận trọng với 1 công việc như vậy.

Vì sau 5 năm đi làm ở 1 lĩnh vực bạn đã hiểu rõ hơn về con đường, hướng đi bạn muốn phát triển trong tương lai. Nếu nhận 1 công việc JD không rõ ràng lúc này đòi hỏi bạn phải đi nhiều hướng khác nhau. Phải chạy theo mớ công việc không rõ ràng của công ty.

Thay vì phải làm tất tần tật nhiều thứ khác nhau thì tại sao không cho mình quyền tập trung rõ ràng ở công việc. Chưa kể là khi đi làm ở những vị trí senior tí thì phải có đánh giá liên quan KPI.

Nếu 1 công việc không rõ ràng thì việc đánh giá KPI của bạn chắc chắn cũng không rõ ràng.

9. Thương lượng lương từng đồng

Deal lương là một việc cần thiết khi tham gia quá trình phỏng vấn.

Nói chung mình từng gặp những ứng viên đặc biệt và hiếm trên thị trường. Nếu không offer được mức như người ta muốn thì tạm biệt. Không có deal gì hết.

Nhưng hầu hết ứng viên và công ty điều trải qua quá trình thương lượng lương.

Nếu một công ty quyết deal lương từng đồng một với bạn, từ 500k đến 1 triệu.

Bạn đã chia sẻ mức bạn muốn, đã hạ mức mong muốn 1 tí để 2 bên cùng win-win nhưng bên công ty vẫn muốn hạ hơn nữa, không quan tâm giá trị bạn mang lại công ty thì đây là 1 dấu hiệu cần lưu ý.

Trường hợp nếu bạn đồng ý đi làm tại công ty thì cũng không vui về lâu về dài vì bạn đang trong tâm trạng bị thiệt, người thua cuộc. Đặc biệt, mức lương này sẽ kéo dài 1 năm trước khi được lên lương lần tiếp theo.

10. Linh cảm của bạn nói rằng ĐỪNG NHẬN. Có gì đó sai sai

Cái này gọi là linh cảm hay tiếng anh gọi là GUT.

Sống lâu trong cuộc đời, để ý nhiều, quan sát và nghiền ngẫm nhiều, trải nghiệm nhiều, thì kinh nghiệm chọn công ty cũng sẽ lên tay.

Nếu trường hợp bạn cảm thấy công ty có điều gì sai sai. Bạn không chắc chắn về offer, do dự không ra quyết định được thì câu trả lời cho lựa chọn đó thường là không.

Hãy tin vào linh cảm của bạn.

Hi vọng chia sẻ này sẽ giúp bạn chọn công ty tốt hơn khi đi làm.

Tránh trường hợp đi phỏng vấn đi làm rồi lại nghỉ sớm và phải chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi Tại sao em lại nghỉ việc ở công ty cũ ?

Hẹn gặp bạn ở những chia sẻ tiếp theo.

📝 Đặt câu hỏi với Thảo ở đây.

Xem full video chia sẻ ở đây