10 ĐIỀU NÊN LÀM KHI PHỎNG VẤN ONLINE

Phỏng vấn online đang và sẽ ngày càng phổ biến trong cuộc sống BÌNH THƯỜNG MỚI. Và để có một trải nghiệm phỏng vấn online thành công nhất, mình muốn gợi ý bạn 10 điều sau:

  1. Hãy làm quen với phần mềm phỏng vấn

Hiện tại, có rất nhiều phần mềm được sử dụng để phỏng vấn online như: Zoom, Team Meeting, Skype. Mỗi phần mềm đều cần người dùng dành một khoảng thời gian để thật sự hiểu về phần mềm.

Một nghiên cứu của Harvard Business Review trên 513 video phỏng vấn online tại Mỹ chỉ ra rằng: "có đến 43% những ứng viên tham gia phỏng vấn gặp những sự cố liên quan về phần mềm như âm thanh, webcam hay thậm chí không đăng nhập được vào phần mềm''.

Bạn chắc chắn không muốn nằm trong 43% này nên hãy cố gắng làm quen với các phần mềm phỏng vấn online trước.

Đồng thời, đừng ngần ngại hỏi Nhân Sự về phần mềm được sử dụng trong buổi phỏng vấn online. Nếu gặp sự cố về kỹ thuật, bạn có thể liên hệ với ai.

2. Hãy chọn một địa điểm phù hợp cho buổi phỏng vấn online.

Địa điểm bạn chọn nên đảm bảo các yêu cầu về ánh sáng, âm thanh và không gian thoải mái để giúp bạn tự tin thể hiện trong buổi phỏng vấn online.

Nếu địa điểm có quá nhiều tiếng ồn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tập trung của bạn và người phỏng vấn.

Đừng chọn một nơi có quá nhiều ánh sáng hay quá tối vì những yếu tố ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong buổi phỏng vấn online.

Đừng chọn một nơi có quá nhiều người như quán cafe, bạn sẽ thấy ngại khi nói trước đám đông và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thể hiện của bạn.

Hãy cố gắng chọn một không gian phù hợp, yên tĩnh và cố gắng sử dụng tai nghe (nếu có).

3. Tối ưu hoá màn hình máy tính hay mặt trước của màn hình.

Người phỏng vấn có thể nhìn thấy bạn qua webcam nhưng không thể nhìn thấy màn hình máy tính hay những gì phía trước bạn. Vì vậy, bạn hãy tận dụng điều này để viết một số ghi chú hỗ trợ trong buổi phỏng vấn online. Một số gợi ý mình thường dùng cho các buổi meeting như:

  • Ghi chú về mặt tinh thần vì khi tham gia phỏng vấn, bạn thường có tâm lý hồi hộp hay lo lắng và những ghi chú như: You can do it sẽ giúp bạn tăng sự tự tin hay Cười nhiều hơn :) để nhắc bạn không quên cười khi nói.
  • Một số ghi chú quan trọng về câu trả lời, thành tích hay các câu hỏi bạn nên hỏi khi đi phỏng vấn

4. Hãy nhìn vào webcam

Có nhiều lý do làm ứng viên rớt phỏng vấn online nhưng trong nghiên cứu này của Harvard Business Review chỉ ra "79% những người rớt phỏng vấn online có một điểm chung là không nhìn vào webcam khi giao tiếp". Vì vậy, hãy nhìn vào webcam khi nói và đồng thời, điều chỉnh khoảng cách hợp lý từ màn hình đến khuôn mặt bạn.

Mình biết là nhìn vào webcam là một trải nghiệm không thú vị gì nhưng giao tiếp bằng ánh mắt rất quan trọng nên hãy rèn luyện điều này :D

5. Tắt các nguồn gây xao nhãng

Bạn biết không, 1 người trung bình có thể NÓI 225 từ 1 phút nhưng có thể nghe đến 500 từ 1 phút. Vì vậy để tập trung thật sự cần bỏ công sức vì tâm trí bạn thường có có xu hướng làm một điều gì khác để lấp đầy 275 từ còn lại.  

Mình nêu ra điều này để nhấn mạnh với bạn về sự tập trung khi phỏng vấn online rất đắt giá. Nếu bạn tốn rất nhiều công sức để 2 bên thật sự tập trung chia sẻ thì chỉ cần cần một thông báo từ điện thoại, một tin nhắn hay một cái gõ cửa có thể hoàn toàn phá huỷ sự tập trung bạn đã cố gắng xây dựng. Tệ hơn cả là bạn làm cho người phỏng vấn có một ấn tượng không tốt về mình.

Vậy nên, hãy bật chế độ im lặng cho điện thoại của bạn.

Nếu phỏng vấn ở nhà, hãy thông tin với người thân về lịch phỏng vấn để tránh việc làm phiền không đáng có.

6. Nhớ chuẩn bị một ly nước

Khi phỏng vấn, việc bạn lo lắng, bồn chồn kết hợp việc nói nhiều sẽ dẫn đến khô cổ họng, giọng bạn trở nên khàn đi. Vì vậy, việc chuẩn bị một ly nước trong buổi phỏng vấn online là thật sự cần thiết.

Uống một ngụm nước sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn khi buồn chồn, giọng sẽ trong hơn khi nói. Một hành động tưởng chừng nhỏ tí xíu này lại giúp bạn cải thiện đáng kể sự thể hiện của bạn trong cuộc phỏng vấn.

7. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể.

Có rất nhiều lý do dẫn đến sự thành công cho một ứng viên. Tuy nhiên, Harvard Business Review chỉ ra rằng có đến 89% ứng viên thành công đều có một điểm chung là sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách chính xác, bổ sung vào lời nói khi giao tiếp.

Một số ví dụ về ngôn ngữ cơ thể mở khi giao tiếp như:

  • Tay mở khi nói thay vì khép 2 tay lại hay chống nạnh.
  • Khi nói về số liệu hãy cố gắng liên kết với ngón tay. Tôi muốn chia sẻ 3 điều thì hãy giơ ngón tay 3 điều :D
  • Ánh mắt nhìn vào webcam
  • Lưng thẳng.

Để điều chỉnh được ngôn ngữ cơ thể một cách tự nhiên nhất, bạn cần trong một trạng thái thoải mái và tự tin. Điều thứ 8 này chắc chắn sẽ giúp bạn.

8. Chủ động tương tác với người phỏng vấn và đừng chờ đến lượt.

84% những người phỏng vấn thành công trong nghiên cứu của Harvard Business Review điều có một điểm chung là chủ động trong buổi phỏng vấn. Việc chủ động này thể hiện qua cách đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng để hiểu hơn về công ty, vị trí mình đang ứng tuyển vào.

Các ứng viên này cũng chủ động trong việc quan sát ngôn ngữ cơ thể của nhà tuyển dụng như ánh mắt, gật đầu, sự tập trung vào câu chuyện để chủ động điều chỉnh cách nói, nội dung nói phù hợp.

Bạn có thể tham khảo bài viết này để sử dụng 5 cách mình gợi ý, tăng sự thú vị khi nói chuyện.

9. Hãy điều chỉnh tốc độ nói một cách phù hợp.

Việc điều chỉnh tốc độ nói rất quan trọng trong buổi phỏng vấn online. Bạn chắc chắn không muốn mình nói qúa nhanh vì lo lắng hay nói quá chậm vì dễ gây ra cảm giác buồn chán cho người nghe.

Nghiên cứu của Harvard Business Review chỉ ra rằng những bài Ted Talk nổi tiếng nhất, các tác giả nói 115 từ/phút. Đó là khi sử dụng tiếng anh.

Còn nếu tiếng Việt, bạn có thể đặt câu hỏi sau để kiểm soát tốc độ nói của mình: " Mình có đang kiểm soát những gì mình nói ra hay không?". Nếu câu trả lời là không, chắc chắn bạn nên nói chậm lại và dành thời gian kiểm soát những gì mình nói.

10. Hãy chuẩn bị kỹ nhất cho buổi phỏng vấn

Dù phỏng vấn online hay offline, việc chuẩn bị kỹ càng nhất luôn luôn là một yếu tố quyết định sự thành công của ứng viên. Việc chuẩn bị này giúp bạn bình tĩnh, tư tin hơn với những câu trả lời của bạn. Vẽ nên câu chuyện bạn muốn chia sẻ, những chất liệu nào bạn nên sử dụng để kể chuyện.

Đồng thời, khi có sự chuẩn bị tốt, bạn chắc chắn sẽ tự tin hơn, dễ dàng kiểm soát ngôn ngữ cơ thể và nói chuyện một cách tự nhiên nhất thay vì phải suy nghĩ nói gì, nói như thế nào.

Ảnh seeken.org

Đồng thời, chuẩn bị cho những buổi phỏng vấn không đơn thuần là chuẩn bị phỏng vấn để thành công. Mình luôn cho rằng, việc chuẩn bị này là một khoảng thời gian giúp bạn nhìn lại những gì mình đã làm và phác hoạ bức tranh tương lai bạn muốn hướng đến.

Bạn có thể tham khảo những câu hỏi và cách trả lời gợi ý qua chuỗi video Đi Phỏng Vấn cùng Thảo để có một sự chuẩn bị tốt nhất.

Hi vọng chia sẻ này của mình sẽ giúp bạn thành công hơn trong những buổi phỏng vấn online sắp đến.

Bạn có thể xem theo dạng video trên youtube Keyskynguyen ở đây

Thanks,

Thảo Nguyễn.