Cách tìm việc khi học trái ngành.

Cách đây 4 ngày có bạn hỏi câu:

"Chị ơi, em làm ngành A nhưng muốn đổi qua ngành B .Tuy nhiên ngành A không liên quan gì ngành B hết.Nếu nhà tuyển dụng hỏi lý do tại sao em nghĩ mình phù hợp với vị trí này thì em nên trả lời làm sao?"

Trả lời sau 6 năm làm nghề theo quan điểm cá nhân:

Em ơi, người làm nghề tuyển dụng người ta muốn có tính đảm bảo cao nhất trong mỗi lựa chọn.

Nếu tìm được người thoả ít nhất 60-70% điều hiring managers hay công ty cần. Recruiter phỏng vấn, rồi dám gửi hồ sơ đi thì người ta cũng bản lĩnh á.

Bản lĩnh vì dám nói, dám làm việc với hiring managers để thuyết phục họ rồi tạo cơ hội ứng viên đi phỏng vấn vòng sau.

Nhưng mà cuộc sống thì đâu có nhiều người bản lĩnh được như vậy.

Ai cũng muốn "MỲ ĂN LIỀN".

Đào tạo thì ít nhưng yêu cầu cống hiến liền và làm được ngay.

Vì vậy, hầu hết Recruiter sẽ ngại rủi ro.

Họ sẽ chọn những hồ sơ có sự phù hợp nhất liên quan các yếu tố như: kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm đi làm trước đó.

Thậm chí tính cả các mối quan hệ, ai giới thiệu hồ sơ.

Vậy nên em muốn đổi ngành, đổi nghề thì phải chuẩn bị tâm lý bị từ chối và cố gắng hơn người khác.

Làm nhiều vào, học nhiều vào rồi thể hiện cho người ta trong hồ sơ, khi đi phỏng vấn.

Quá trình làm, học, đọc thì em cố gắng kết nối với "đúng người".

Là những người ngành nghề em muốn, mở rộng network tại các công ty em muốn nhắm vào.

Lì hơn nữa thì viết email/tin nhắn làm quen, gửi nhờ các anh chị trong công ty đó tiến cử nếu em nghĩ mình phù hợp ở vị trí, công ty đó.

Một lời giới thiệu của anh chị đi trước ở công ty chắc chắn giúp em tăng cơ hội được đi phỏng vấn. Vì sao ư?

Vì người ta đã lấy uy tín của mình đảm bảo khi gửi hồ sơ em đi.

vậy nên hỏi lại, em đã làm gì cho người ta tin tưởng được như vậy. Em phải có cái gì bỏ ra chớ, làm gì, học gì, làm dự án ra sao?

Em nói em không học ngành B ở trường thì mình tự học ngành B ở trên mạng, trường đời.

Nhà sử học Anh Edward Gibbon có nói cái đoạn này: "Mỗi người đều nhận được 2 thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho, một thứ quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy."

Nếu em mê ngành B á thì cứ làm tới thôi, có làm nó mới ra công chuyện.

Còn mê quá mà chỗ nào cũng tuyển đòi kinh nghiệm thì xin đi làm thực tập. Học lại từ đầu thôi. Nhận ít lương lại một tí.

Tính đường dài. Cứ dấn thân vào.

Nói vậy chứ chị làm nghề này thì công nhận khó thật ở thị trường như Việt Nam nhưng mong em vững tâm với điều mình muốn, sớm tìm thấy đường.

"Chỉ khi ta ngu ngu một tí để dấn thân, để đam mê, để quên mình cho những việc mà mình làm, cho những mục tiêu ý nghĩa hay những lý tưởng cao cả thì mới có cơ hội tìm ra chính mình và đạt tới những thành tựu to lớn. Nếu ta cứ tính toán thiệt hơn với những thứ nhỏ lẻ, những điều lợi thiệt hại trước mắt thì khó mà tựu thành những điều gì đáng kể." Trích sách Đúng Việc.

Cảm ơn em đã gửi câu hỏi.

Thảo