XIN NGHỈ VIỆC ĐÚNG CÁCH CẦN LÀM GÌ?

XIN NGHỈ VIỆC ĐÚNG CÁCH CẦN LÀM GÌ?
Photo by Fab Lentz / Unsplash

Sau một thời gian dài suy nghĩ, đắn đo, vò đầu bức tóc thì cuối cùng bạn quyết định xin nghỉ việc. Làm thế nào để nghỉ việc nhưng vẫn giữ mối quan hệ tốt với công ty cũ đồng thời bảo vệ quyền lợi của bản thân?

Hôm nay mình chia sẻ kinh nghiệm nghỉ việc đúng cách cần làm gì, chuẩn bị ra sao.

Lần nào nghỉ mình cũng chủ động nhưng không phải dễ dàng để vào nói chuyện với sếp. Luôn có 1 cảm giác không thoải mái vì mình biết mình đang mang đến một tin không tốt lành cho sếp.

Tuy nhiên với một tinh thần dứt khoát, biết điều mình muốn và có sự chuẩn bị sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn khi quyết định nghỉ việc.

Vì dù sau cùng thì mình đi làm vì bản thân mình. Vắng mợ thì chợ vẫn đông :)

Bạn có thể xem video chia sẻ ở đây:

  1. Sắp xếp một buổi nói chuyện trực tiếp với người quản lý trực tiếp của bạn.

Hãy hẹn gặp trực tiếp người quản lý càng sớm càng tốt thay vì gửi tin nhắn hay nói chuyện qua điện thoại. Một buổi nói chuyện trực tiếp, mặt đối mặt sẽ giúp bạn nghỉ việc trơn tru hơn. Trong buổi nói chuyện này hãy đề cập:

  • Lý do tại sao bạn muốn nghỉ việc.
  • Thống nhất thời gian bàn giao công việc.
  • Những bước tiếp theo cần làm sau buổi nói chuyện.

LÝ DO NGHỈ VIỆC: Cần chuẩn bị trước, càng rõ ràng về điều mình muốn thì lúc nói chuyện càng dễ dàng, dứt khoát.

Một số lý do thường gặp: Nghỉ việc vì có công việc mới phù hợp hơn với định hướng của bản thân. Lưu ý không nên cung cấp các thông tin liên quan công ty mới.
Nghỉ việc vì có chuyện gia đình cần giải quyết. Cần chuẩn bị trường hợp sếp nói: nghỉ 1 thời gian rồi quay lại cũng được.
Nghỉ việc vì khu vực làm việc quá xa, ảnh hưởng sức khoẻ, chất lượng công việc.

Rất nhiều lý do khác nhau để lựa chọn nhưng hãy nói cung cấp 1 lý do hợp lý và chân thành.

THỜI GIAN BÀN GIAO: Tuỳ theo hợp đồng lao động, tính chất công việc và thoả thuận giữa người sử dụng lao động và công ty.

  • Đối với HĐLĐ vô thời hạn NLĐ cần báo trước ít nhất 45 ngày ( tính cả ngày lễ, nghỉ chủ nhật).
  • Đối với HĐLĐ có thời hạn ( 1 năm - 36 tháng), NLĐ cần báo trước ít nhất 30 ngày.

Tuy nhiên nếu 2 bên thoả thuận, sắp xếp được thì bạn hoàn toàn có thể nghỉ sớm hơn thời gian luật quy định.

MỘT SỐ LƯU Ý:

Khi nghỉ việc đừng để sếp hay người quản lý trực tiếp của mình là người cuối cùng biết được quyết định. Chắc chắn sếp bạn không muốn nghe việc bạn nghỉ việc từ chị A hay anh B. Họ muốn nghe quyết định trực tiếp từ bạn.

Điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như sự chuyên nghiệp của bạn đối với sếp của mình.

Giữ mối quan hệ với công ty cũ là 1 việc quan trọng khi đi làm. Bạn không cần làm hài lòng tất cả những người trong công ty nhưng bạn muốn họ nghĩ đến bạn như 1 người chuyên nghiệp.

Nếu đi tìm kiếm 1 công việc mới, HR công ty mới có kiểm tra về reference với sếp cũ, đồng nghiệp làm việc trong team về đạo đức làm việc của bạn, sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm, thái độ...Bạn không muốn bị vuột mất những cơ hội mới vì sự thiếu chuyên nghiệp của mình ở quá khứ.

Vì vậy, đừng dứt áo ra đi mà ai cũng ghét bạn hay thậm chí cuộc đời có khi gặp lại nhau cũng không đến mức sợ hãi.

Nếu chưa hết thời gian báo trước mà tự ý bỏ việc, người lao động sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và đi kèm đó là những bồi thường liên quan phía công ty nhé.

2. Viết 1 email gửi đến sếp của bạn và cc bên nhân sự vào. Cái này gọi là thông báo chính thức liên quan.

Sau khi nói chuyện với sếp, bạn hãy viết Email đề cập về cuộc nói chuyện với sếp. Nói qua về thông tin lý do nghỉ cũng như thời gian cuối cùng làm việc tại công ty.

Gửi đến sếp và cc bên nhân sự công ty vào.

Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi của bản thân mình vì có 1 số trường hợp sếp vì quên hay cố tình giữ thông tin mà không báo bên nhân sự. Điều này sẽ ảnh hướng đến tiến trình bàn giao công việc của bạn vì bên nhân sự không nhận được thông tin để tiến hành việc tuyển dụng (nếu có), sắp xếp các vấn đề liên quan bảo hiểm...

3. Trách nhiệm và chuyên nghiệp đến ngày cuối cùng.

Nghỉ việc là thời gian rất nhạy cảm. Vừa nhanh vừa chậm. Kinh nghiệm của mình là bạn hãy:

  • Luôn giữ 1 tinh thần làm việc có trách nhiệm. Sự khác biệt giữa người chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp là ở khúc này nha.
  • Bàn giao công việc chỉnh chu. Viết ra những file cần bàn giao, chia sẻ với những bên liên quan.
  • Chuẩn bị tài liệu và đào tạo training cho người mới trong trường hợp có người. Đừng dấu nghề rồi gây khó dễ với người mới nha.
  • Hãy làm nghề tử tế chứ đừng để kiểu mình ra đi mà ai cũng ghét vì thái độ thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm.

4. Sao chép và Tải các tài liệu liên quan trước khi nghỉ việc

Trong quá trình này hãy nhớ sao chép những tài liệu liên quan công việc bạn cần càng sớm càng tốt. Đặc biệt nếu làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia thì tranh thủ gửi qua email cá nhân vì không sử dụng USB để copy được.

Bên IT sẽ hạn chế bạn làm những việc copy dữ liệu này nên phải tranh thủ làm càng sớm càng tốt.

  • Tải những hình ảnh lúc đi làm công ty, những giải thưởng, KPI số liệu liên quan, bản lương, hợp đồng cũ.

5. Kiểm tra các thông tin liên quan bảo hiểm, hồ sơ lúc làm việc tại công ty

Trong quá trình nghỉ việc này bạn cần nói chuyện với bên HR chốt hồ sơ bảo hiểm sớm, tra lại thông tin liên quan về thời gian đóng bảo hiểm, địa điểm đóng bảo hiểm, chức danh, lương đóng đúng hay không để kịp thời chỉnh sửa nếu có.

Đừng để nghỉ rồi mà còn kẹt cái sổ bảo hiểm hay thông tin bảo hiểm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp về hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp của bạn và những lợi ích sau này.

Lúc nghỉ công ty rồi thì giải quyết khó khăn hơn vì mình không còn ở công ty.

6. Lưu giữ contact của đồng nghiệp, khách hàng.

  • Xin thông tin liên lạc của đồng nghiệp liên quan, add zalo, LinkedIn, facebook. Đường đời tấp nập tương lai gặp lại nhau hay cần liên hệ cũng có thông tin. Chia tay công ty nhưng không cần chia tay luôn với đồng nghiệp :D
  • Đi ăn với mọi người như tiệc farewell, cái này là truyền thống công ty cũ của mình.

7. Viết thư chia tay đến đồng nghiệp công ty và các bên liên quan

Những ngày cuối khi sắp nghỉ, bạn soạn 1 email chia tay đến đồng nghiệp để thông báo với mọi người :D

Hi vọng bạn đã có một cái nhìn tổng quan để chuẩn bị tốt nhất trong quá trình nghỉ việc tại một công ty. Chúc bạn may mắn trên hành trình tiếp theo ❤️

Hẹn gặp bạn ở những chia sẻ sắp đến.

Thanks,

Thảo.